Giới thiệu về Đảo Ngọc Phú Quốc

Giới thiệu về Đảo Ngọc Phú Quốc (Trích bài viết của Khiếu Quang Bảo: “Ra Phú Quốc tìm Kim Giao”) Bên ô cửa sổ mạn tàu, nhìn lớp lớp ngọn sóng xô đuổi nhau về phía sau, và trong làn hơi nước mờ đục, phía xa kia hiện dần lên quần đảo Phú Quốc. Tôi mường tượng ra một chiếc ghe to, trên khoang nơi sát mũi, có một cô gái quê kiểng, bận bộ bà ba đen và chiếc khăn rằn vừa quấn ngang vai vừa chùm qua đầu, gương mặt sáng ngời và rắn rỏi, cùng nhiều trai gái trẻ khác, chở đầy nông cụ, lương thực, hạt giống và nước ngọt, đang giương buồm hướng chiếc ghe chạy về phía đảo hoang. Có thể là trùng hải trình tôi đang đi. Và cũng có thể là hải trình khác. Dũng cảm và phiêu lưu.

Giới thiệu về Đảo Ngọc Phú Quốc

 

 (Trích bài viết của Khiếu Quang Bảo: “Ra Phú Quốc tìm Kim Giao”) 

Bên ô cửa sổ mạn tàu, nhìn lớp lớp ngọn sóng xô đuổi nhau về phía sau, và trong làn hơi nước mờ đục, phía xa kia hiện dần lên quần đảo Phú Quốc. Tôi mường tượng ra một chiếc ghe to, trên khoang nơi sát mũi, có một cô gái quê kiểng, bận bộ bà ba đen và chiếc khăn rằn vừa quấn ngang vai vừa chùm qua đầu, gương mặt sáng ngời và rắn rỏi, cùng nhiều trai gái trẻ khác, chở đầy nông cụ, lương thực, hạt giống và nước ngọt, đang giương buồm hướng chiếc ghe chạy về phía đảo hoang. Có thể là trùng hải trình tôi đang đi. Và cũng có thể là hải trình khác. Dũng cảm và phiêu lưu.

 

- Cháu chào bác ạ!

Ôi! Giọng con gái. Giật mình. Quay lại. Là hai cô gái trẻ mà tôi quen thân. Một, trong công việc, là Phóng viên của Kênh truyền hình 14 Đài truyền hình VTC, Kênh chuyên biệt về Phòng chống Thiên tai - Hiểm họa. Một nữa, là bạn của cô phóng viên, một Diễn viên Nhà hát Kịch Trẻ trong làng giải trí mà thời kì hòa nhập người ta gọi là Thế giới Showbiz.

 

- Bác ra Phú Quốc nghỉ dưỡng ư?

- Không! Bác đi tìm cô Kim Giao!

Hai cô gái trẻ trố mắt nhìn. Bởi bên tôi là một phụ nữ mà hai cô cho là "Bác gái".

Cô Phóng viên Kênh VTC 14 đặt bàn tay lên trán tôi:

- Bác có làm sao không ạ?

- Làm sao là làm sao? – Tôi đay - Lên đảo, bác sẽ đưa hai cháu tới thăm một chàng trai 7X "khùng" hơn bác trăm lần, bỏ ra năm tỷ đồng mở "Bảo tàng" tư nhân có tên gọi "Cội nguồn" mà cô Kim Giao là điểm nhấn, được những người trên đảo gọi anh ta là "Người giữ hồn cho đảo!" 

Tên anh chàng "khùng" đó là Huỳnh Phước Huệ.

Hai cô gái trẻ cười rú lên, nguyện "xin theo bác" tới cùng trên hòn đảo này. Quên phắt ba mục tiêu ban đầu ra đây là mua "Nước mắm Phú Quốc – Hồ tiêu Phú Quốc – Chó xoáy Phú Quốc".

Tôi biết chuyện Kim Giao cũng vào đận này năm ngoái khi đến Hà Tiên thăm Dinh và Lăng mộ Quan trấn Mạc Cửu thời Nhà Mạc. Các quan địa phương Đàng Trong thường có công với dân là chịu khó hô hào dân lấn biển hoặc mở rừng khai khẩn đất hoang lấy ruộng cho dân canh tác. Ở Châu Đốc có Thoại Ngọc Hầu, Khâm sai Thống chế án thủ Châu đốc đồn, gắn với truyền kỳ về Cô Chúa Sứ mở vùng đất Bến đá núi Sam. Còn ở Hà Tiên lại là Mạc Cửu với nàng Kim Giao. Cô Chúa Sứ thì quyết giữ phận gái trinh trắng cho tới khi hóa đá linh thiêng phù hộ độ trì cho dân Châu Đốc mở mang bờ cõi, trời đất mưa thuận gió hòa làm ăn phát đạt. Dẫu có làm ăn nơi xa cũng phát đạt.

Còn Kim Giao lại làm cái việc lớn lao là theo lời kêu gọi của Quan đốc Mạc Cửu, chiêu mộ trai gái có máu phiêu lưu vượt biển ra đảo khai hoang. Kim Giao thì lấy chồng, để còn "thuận tình tát biển đông cũng cạn", và còn một nhẽ nữa, là phải duy trì nòi giống cho mai sau. Bởi thế, sau đó người ta mới gọi là bà. Dấu tích bà Kim Giao và những lưu dân thuở ban đầu vẫn còn đến ngày nay. Đó là những địa danh như Đồng Bà (cánh đồng trồng lúa), Búng Dinh Bà (nơi bà Kim Giao lập doanh trại trên bờ Búng), và Dinh Bà (nơi thờ Kim Giao Thần nữ). Người dân đảo Phú Quốc tôn xưng Kim Giao là nữ thần, vì bà có công dìu dắt đám lưu dân khai hoang mở đất khai hóa cuộc sống tự do trên hòn đảo này. Mà nay Phú Quốc đã có tới tám vạn dân, cư trú một diện tích rộng 1.320 km2 với 99 ngọn núi đồi, có bờ biển dài 150 km.

 

 

Từ hoang sơ, Nhà Mạc cai quản và lập thành 7 xã, thôn. Năm 1703, Mạc Cửu xin sáp nhập đất Hà Tiên vào với xứ Đàng Trong, và Phú Quốc được cai trị trực tiếp bởi một Tổng trấn Nhà Mạc. Nếu hiểu theo khái niệm mô hình "Khu kinh tế mở" ngày nay, thì ngay từ thuở đó, Phú Quốc đã là "Khu kinh tế mở" đầu tiên và sớm nhất ở vùng đất cực Nam này. Đó là chính sách phóng khoáng kích thích cư dân đất liền ra đảo, tự do khai khẩn thu lợi không phải nộp thuế. Tiếng tăm Phú Quốc – Hà Tiên vang xa, lưu dân ở các vùng miền trong đất liền rủ nhau hội tụ về đảo.

Đến thời Nhà Nguyễn cuối thế kỉ 18, Chúa Nguyễn đã nhiều lần lên đảo Phú Quốc trong các cuộc quyết chiến với Nhà Tây Sơn. Cũng dưới Triều Nguyễn, Phú Quốc mở mang lên, tự khai thác giao lưu buôn bán với đất liền và với ngoại bang như Campuchia, mà phía nam nước ấy chỉ cách đảo có 15km vịnh biển, và Phú Quốc phồn thịnh suốt thời Nhà Nguyễn.

Phú Quốc từng là căn cứ của nhà truyền giáo người Pháp Pigneau de Behaine trong suốt 20 năm từ 1760, và vị tu sĩ này đã cung cấp nơi trú ẩn cho Hoàng tử Nguyễn Ánh (mà sau là vua Gia Long), khi Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy sát.

Phú Quốc chỉ cách Hà Tiên có 45km. Nhưng lần ấy đến Hà Tiên mà tôi chưa có cơ hội tới được đảo. Đến bây giờ, ra Phú Quốc, bước chân đầu tiên nên đến, là tới ngay khu "Cội nguồn" của Huỳnh Phước Huệ.

 

 

Đến, để cảm nhận những chuyện gì đã xảy ra ở hòn đảo 300 năm qua kể từ ngày đội quân đi khai phá khai hóa hòn đảo dưới sự lãnh đạo của cô gái Kim Giao.

Đến, để thấy sự đam mê kỳ quái của vị chủ nhân bảo tàng tư nhân thứ 9 của Việt Nam.

Trong sự đam mê ấy, trong hình bóng hiện hữu của hơn 3.000 cổ vật mà mỗi thứ là một câu chuyện về đất, về người, về trời và biển Phú Quốc ấy, mà thấy hồn vía của hòn đảo kỳ thú nơi cực Nam.

Từ 300 bộ thư mục quý về Phú Quốc bằng các loại chữ Hán, chữ Việt, chữ Anh, và chữ Pháp.

Từ những chiếc rìu đá, gỗ hóa thạch, những bộ sưu tập gốm Việt thế kỷ 12,13. Gốm thời Lý, Trần và gốm Thái, Trung 

Hoa thế kỷ 15,16.

Từ những chủng loại mai, tre, ráng, ổi núi, lõi gỗ trai.

Từ những chủng loại vỏ trai, sò, ốc, san hô, xương bò biển, heo rừng, cá sấu, cá ông.

Từ những nhóm cổ vật được xác định vớt từ lòng biển Phú Quốc có từ 3.500 năm trước.

Và đặc biệt, từ vết tích mũi kiếm của Nguyễn Ánh đâm vào đá, cùng vết chân chàng Hoàng tử khi trốn chạy nhà Tây Sơn, đến mảnh ván chiếc ghe của người Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực trong trận đánh chìm tầu giặc Pháp…

Huỳnh Phước Huệ cười thật dễ thương, ngơ ngác, hệt như người "có làm sao" ấy:

- Em đã lượm ôm khư khư những thứ này dòng dã nhiều năm. Bởi nó là hồn vía Phú Quốc mà!

 

.Phú Quốc được mệnh danh là Đảo Ngọc, đảo lớn nhất Việt Nam, lớn nhất trong quần thể 22 đảo nơi đây trong vịnh Thái Lan.

Tuy là trễ, nhưng chưa hẳn là muộn khi bây giờ tôi mới tới. 

 

 

Bởi hòn đảo này vẫn giữ được nguyên khung cảnh thiên nhiên vùng nhiệt đới. Rừng nguyên sinh rậm rì xanh như ủ thời gian lại. Và bãi biển thì vắng người. Một bầu trời thoáng đãng. Không khí ngọt lịm trong từng hơi thở. Giữa mênh mông biển trời ai đó có cảm giác chông chênh nơi hoang dã.

Tổ chức hành chính bây giờ đã khác với thời của Kim Giao. Là một huyện đảo của tỉnh Kiên Giang. Được phân chia ra thành 8 xã và 2 thị trấn. Manh nha một hướng phát triển đô thị theo mô hình "Chuỗi, đa trung tâm". Có trục đường chính, nhưng vẫn tạo ra phân khu bảo tồn tự nhiên bền vững.

Giao thông quanh đảo kết nối với cảng biển An Thới. Với sân bay quốc tế Dương Tơ. Trong đó Dương Đông trở thành khu đô thị trung tâm của thành phố du lịch đảo.

"Vốn liếng của Phú Quốc là tài nguyên biển, đảo và du lịch nhân văn hấp dẫn!" Chính vì cái luận chứng kinh tế ấy mà nó được mệnh danh là Hòn Ngọc châu Á, và được các chuyên gia Tổ chức Du lịch Thế giới xếp vào danh sách 12 hòn đảo nổi tiếng nhất thế giới. Còn được bình chọn là "Bãi biển sạch và đẹp nhất thế giới" từ cuộc bình bầu qua thư phiếu của Tạp chí ABC News cuối tháng 2 – 2008.

Ngoài hệ sinh thái đa dạng, Phú Quốc còn có bờ biển dài 150 km với những bãi cát trắng mịn, các rạn san hô, các đồng cỏ biển và quần thể loài vẫn còn đông đúc mang tính nguyên sơ chưa từng được khai thác.

Bãi Sa, Bãi Khem, Bãi Dài cho phát triển du lịch thể thao, du thuyền trên biển và trò chơi dưới nước. Nếu ai đã tới khu du lịch Phukhet Thái Lan, thì tương lai du lịch Phú Quốc có nhiều nét tương đồng.

Một chuyên gia du lịch cho tôi hay từ Hà Nội, rằng Phú Quốc sẽ phát triển 5 loại hình du lịch: Nghỉ dưỡng - Tham quan giải trí - Sinh thái - Thể thao mạo hiểm - Nghiên cứu khám phá. Mà Slogan là "Say đắm nơi Thiên Đường rực nắng!"

Trong trăm điều mơ ước, đã có vài điều hiện thực. Thị trấn Dương Đông đã và đang được các nhà đầu tư dấn thân vào nơi đây tạo dựng nghiệp lớn. Với những khách sạn, nhà hàng, trung tâm mua sắm dịch vụ sang trọng, mà Công ty du lịch Sài Gòn – Phú Quốc đang kinh doanh có hiệu quả. Vào những ngày cuối tuần không đặt trước qua các website là cháy phòng. Khách du lịch ngoài nước tới đây bằng đường hàng không, đường thủy, mặc dù các phương tiện giao thông đã tăng chuyến, khách vẫn phải chờ đợi ở Sài Gòn, ở Hà Tiên và Rạch Gía. Tôi lưu trú ở Ngàn Sao Resort, gần một bãi biển dài, của một ông chủ nước mắm nổi tiếng nhất Phú Quốc có tên là Thời, giá phòng từ 200 đến 300 ngàn đồng. Mặc dù "Du lịch va-li" nhưng chỉ đủ tài chính thuê phòng hạng "Tây ba lô". Còn những cái khách sạn cao cấp như Blue Sasca, Sài Gòn – Phú Quốc, Tropican Resort ở theo kiểu Bulgalow giá toàn cỡ 40 đô la Mỹ trở lên, để dành cho các thương gia và Tây va-li. Nhưng tôi vẫn qua đó chơi và thâm nhập.

.Bờ biển Phú Quốc theo tôi đẹp ngất ngây là vào buổi sáng sớm bình minh lên. Bầu trời xanh sáng nhuộm nắng vàng như tơ non vươn tới tận chân biển. Mặt nước dịu êm như vừa tỉnh dậy. Gió cũng thế, ôn hòa với muôn nẻo bờ cây. Không gian tinh khôi trong trẻo. Các bậc thời bố tôi kể, các cụ ngày xưa đi xem trộm mặt các cô gái để lấy làm vợ, thường chọn buổi sáng sớm khi các cô mới ngủ dậy, sẽ thấy được cái đẹp nguyên thủy trời cho chưa kịp son phấn. Cũng có thể ở thời đoạn đó người con gái chưa trải qua những lo âu thường nhật nên nét đẹp của họ vô tư trong lành.

 

Tôi bày với hai cô gái đi cùng, thuê một chiếc ghe máy chạy lòng dòng quanh đảo. Chỉ có điều là phải chọn được một người lái ghe từng là ngư phủ am tường địa hình và hoạt ngôn. Đắt tí cũng được nhưng đáng. Tôi ngắt một cây cỏ ba lá, dâng lên trước mặt hướng về phía mặt trời, nhắm mắt và cầu, cầu xin Thần nữ Kim Giao cho chúng tôi gặp được một ngư dân như thế. Thần nữ Kim Giao hiển linh. Một chiếc ghe tự đâu bỗng lao tới. Người ngư dân chạy ghe nhăn răng cười. Cô Diễn viên Nhà hát Kịch Trẻ ghé tai tôi: "Nhìn anh ta đã thấy đáng yêu. Bác à!" Tôi hỏi anh ta:

- Cậu bao nhiêu tuổi mà râu ria xồm xoàm thế?

- Em mới 25. Để râu cho khách coi mình già dặn. Đủ tin!

Hai cô gái bật cười. Tôi không cười, mà ngẫm. Loài người ngày nay có xu hướng tìm mọi cách cưỡng lại quy luật của tạo hóa về "Sinh- Lão- Bệnh- Tử". Kẻ tóc xanh thì để râu mong được coi là chững chạc trải đời. Lão đầu bạc lại cạo nhẵn râu ria nhuộm tóc đen láy để được coi là trẻ. Tôi nhớ tới danh nhân Nguyễn Công Trứ, ông làm trẻ mình bằng sự trẻ hóa tâm hồn. Đường quan lộc, tiền tài không màng. Gái đẹp thì ông không thể bỏ qua. Năm 72 tuổi, ông quyết định cưới người hầu gái 21 tuổi. Đêm tân hôn, người vợ trẻ thẽ thọt: "Giờ, thiếp có thể biết tiên sinh bao nhiêu tuổi không?" Nguyễn Công Trứ áp má vào ngực người vợ trẻ, cười nói như thơ: "Yêu nhau tuổi có là chi / Năm mươi năm trước ta thì…hăm hai!" 

Kể lại suy nghĩ này cho hai cô gái trẻ nghe, gương mặt hai cô bịn rịn.

- Nào! Ta lên ghe thôi! – Chàng ngư phủ hô.

Tên anh chàng giả già này là Huỳnh Đại Tá. Bấm đốt ngón tay tính thì Huỳnh Đại Tá rơi vào hậu duệ đời thứ tám của Thần nữ Kim Giao.

Máy nổ. Ghe chạy. Lướt nhẹ trên ngọn sóng. Đại Tá nói:

- Ngắm nhìn Phú Quốc từ mạn thuyền, qua những ngọn sóng trùng khơi, khung cảnh Đảo Ngọc luôn tươi mới trong mắt người dẫu họ có tới đây nhiều lần chăng nữa. Bởi chiêm ngưỡng đảo từ nhiều góc nhìn khác nhau, lại khám phá thêm ra những vẻ đẹp mới mẻ.

Cảm ơn cây cỏ ba lá. Cảm ơn bà Kim Giao. Đã dun đẩy tới cho chúng tôi một ngư phủ biết quảng bá du lịch!

Từ Nam Đảo ra mũi Ông Đội, Bãi Ngự, Ngai Vua – nơi có dấu chân Nhà Nguyễn, huyền thoại về một thời bôn tẩu gian truân của Nguyễn Ánh.

Lướt qua các nhà bè nuôi cá mú ngoài khơi. Đảo hoang vắng không người. Bãi cát ở đây thì xanh rưng rưng. Những bờ đá đủ hình dáng kỳ thú. Từ mũi Ông Đội nhìn lên, nhấp nhô những mô đá như đàn cá mắc cạn.

Bãi tắm xanh bên rừng cây hoang dã xanh ở mũi Ông Đội có thể nói là tuyệt đẹp.

Ghe dừng bên một vụng lớn gần Giếng Tiên. Có bãi biển cát trắng dành cho du khách tắm và lặn ngắm san hô, tảo biển. Ở đây người ta có thể thuê dụng cụ lặn của ngư phủ để lặn bắt nhum, hoặc thuê cần câu câu cá mú cọp.

Đại Tá đưa ba chiếc cần câu cho tôi và hai cô gái: "Thử tài xem!"

Tôi câu. Phao tút. Giật ngay một chú mú cọp.

Đại Tá cười phá: "Sát cá là sát gái!"

Cô Phóng viên Kênh 14 và cô Diễn viên Nhà hát Kịch Trẻ cười rũ như ở chỗ không người. Rồi, cô Phóng viên Kênh 14 bình: "Ngư phủ Đại Tá đã đưa Bác trở thành đối tượng của Kênh 14 về phòng chống hiểm họa!"

Đã đói. Hai cô gái trẻ đòi ăn mấy thứ hải sản lạ.

 

 

Trước nhất là "nhum". Nhum không giống bất cứ lọai hải sản nào. Thịt và trứng của nó ngọt, béo, thơm như gạch cua bể, lại lẫn dư vị mằn mặn của biển. Ấn tượng vô cùng. Nhum thường sống thành đàn, nhiều nhất là ở Cà Ná tỉnh Ninh Thuận và đảo Phú Quốc này. Chúng thường quần tụ ở những nơi có nhiều rạn san hô, đá ngầm và hang hốc để ăn rêu và cỏ biển, đặc biệt là cỏ lá hẹ. Nhum có dáng tròn như quả cầu nhỏ, gai tua tủa như lông nhím, nên nhum còn có tên "cầu gai" hay "nhím biển".

Bắt nhum phải dùng kẹp sắt dài một 

mét. Nhum nướng như nướng sò huyết trên than hoa, vắt chanh tươi vài giọt ăn là có thể…quên đời luôn.

- Một chút rượu sim nhé? – Đại Tá mời.

Dùng hải sản nên có rượu. Đưa mồi và an tâm cho tiêu hóa. "Nhất trí!"

Rượu sim làm từ trái sim rừng ngâm ủ thủ công. Lên men đủ tháng rượu có màu vàng trong suốt như hổ phách. Có hương thơm đặc trưng sim rừng Phú Quốc. Có vị ngọt thanh với một chút chát nhẹ.

Rừng sim phân bố khắp đảo. Nhiều nhất là ở các khu rừng phòng hộ Hàm Ninh, Dương Tơ, Cúc Dương. Sim ra hoa kết trái quanh năm. Nhưng vụ sim tiết xuân cho trái có chất lượng tốt nhất, nhiều mật ngọt nhất.

Hai cô gái Phóng viên và Diễn viên làng Showbiz ngấm chất khoái cảm của lãng du, đòi ăn "biên mai". Muốn mỗi thứ một chút trải nghiệm mùi vị của Đảo Ngọc.

- Biên mai ư? Có ngay! – Đại Tá chiều khách.

Biên mai là lọai sò biển có hình dạng độc đáo: hình tam giác. To cỡ nắm tay người. Cắm sâu nơi đáy biển vùng An Thới ở Cửa Nam đảo. Thịt biên mai ngọt thơm. Đặc biệt gân của nó tròn to bằng đồng bạc cắc, trắng phau, nằm giữa hai lớp thịt. Biên mai xào chua ngọt, hấp, nấu cháo, hoặc nướng ăn với rau sống cuốn bánh tráng nhúng dấm. Ăn kiểu gì cũng ngon. Xong.

- Dừng được chưa nào?

Cô Diễn viên đôi mắt xanh đã long lanh mờ ảo:

- Còn cá mú cọp!

Đại Tá cười hào phóng:

- Được. Chiên ròn. Có ngay!

Cô Phóng viên tỉnh hơn, rưng rưng:

- Thật hiếm khi được trải nghiệm theo cách này. Qúa đã!

Cá mú cọp giống con cá bống nước ngọt ngoài Bắc. Nhưng to gấp ba, gấp bốn. Nó có cái mồm rộng hoác như cá ngão. Thịt cá mú cọp nạc và lành. Cá này chỉ có chiên ròn rắc tiêu là ngon nhất.

. Phú Quốc không chỉ hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp lôi cuốn từ thiên nhiên, bởi giá trị văn hóa lịch sử, bởi sự chân chất thuần khiết của người dân, mà nó còn hấp dẫn du khách bởi các sản vật mà tiêu biểu là ba sản vật từng được nhiều người biết tới, và được mệnh danh là "Linh vật đặc biệt".

Nước mắm Phú Quốc là "Linh vật" số một.

 

 

 

Ngư dân thường tớp một ngụm nước mắm trước khi ra khơi. Thợ lặn cũng thế trước khi lao xuống biển sâu lạnh giá. Người ta tin rằng chỉ có loại nước mắm được sản xuất ở Phú Quốc mới là ngon nhất. Bởi nó được chế biến từ cá cơm vùng biển Phú Quốc. Có thể dùng cả cá phấn chỉ, cá than, cá sọc tiêu.

Nguyên liệu cá được rải muối ủ lên men trong những chiếc thùng làm bằng loại gỗ đặc biệt – gỗ bời bời – suốt nhiều năm. Giống như rượu nho Pháp phải được ngâm ủ lên men trong thùng gỗ sồi mới cho hương vị đặc biệt. Cả dầu olive Ý cũng thế.

Loại cây gỗ bời bời chỉ được tìm thấy ở đảo Phú Quốc, và nay cây bời bời được liệt vào loại quý hiếm cần bảo vệ ở khu Lâm viên Quốc gia.

Cá ủ trong thùng gỗ bời bời, sau một tuần lễ, nước từ cá rịn ra được hứng đưa trở lại thùng mỗi ngày, cứ thế lặp lại suốt năm, cho tới khi nước đó đặc quánh lại.

Nước mắm Phú Quốc có màu cánh gián sẫm, trong vắt và thơm ngậy. Loại thượng hạng được gọi là nước mắm nhĩ, nước tinh chất đợt đầu trích ra từ cá lên men ướp trong muối.

Nhà máy nước mắm Khải Hoàn ở Phú Quốc có cách bán hàng độc đáo. Ngoài mạng lưới phân phối đặt khắp các thành phố trong cả nước, thì tại đảo, du khách có thể mua ngay. Nếu ngại tự vận chuyển, du khách có thể chọn một trong hai cách. Trả tiền trước nhận phiếu, về văn phòng đại diện của nhà máy nơi thành phố mình cư trú lấy hàng, nơi đó lúc nào cũng có hàng vận chuyển sẵn từ đảo ra. Bảo đảm hàng chính hiệu mà nhanh. Hai cô gái đi cùng tôi, Phóng viên Kênh 14 và Diễn viên Nhà hát Kịch Trẻ, lại chọn cách thứ hai, trả tiền nhận phiếu, rồi mượn tôi cây bút dạ phớt ký vào nhãn những chai nước mắm đã mua, bình tâm trở ra Hà Nội, phải tới sau 15 ngày vận chuyển bằng tàu thủy, hàng mới tới văn phòng của nhà máy ở phường Phương Mai, các cô được nhận đúng những chai nước mắm có chữ ký của mình. Nhiêu khê một chút, nhưng các cô muốn có kỷ niệm đích thực Phú Quốc. Người nhà và bạn bè ở Hà Nội không phải mất công tranh cãi nước mắm "xịn" hay nước mắm "rởm".

Hồ tiêu là "Linh vật" thứ hai.

Phú Quốc là vườn tiêu lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long. Và được mệnh danh là "Vương quốc Hồ Tiêu" bởi diện tích lớn, trồng tập trung và giống tiêu chất lượng cao hơn so với tiêu trồng ở những nơi đất khác.

Phú Quốc không thực sự là một phần của Đồng bằng sông Cửu Long, và cũng không được hưởng phù sa màu mỡ để trồng lúa và trái cây. Nhưng quy về Đồng bằng sông Cửu Long cho có cộng đồng, tốt cho phát triển kinh tế.

Hồ tiêu là loại cây gắn bó với đảo hơn một thế kỷ. Diện tích chuyên canh có khi lên khi xuống từ 500 đến 1000 ha tùy theo được giá hay rớt giá trên thị trường tiêu. Và khi rớt giá, những chủ vườn tiêu âu sầu buồn bã. Nọc tiêu trơ vơ, lá tiêu ủ rũ kém xanh, khi ấy đủ biết người trồng tiêu đuối sức.

Giáo sư Tiến sĩ Võ Tòng Xuân từng đề xuất với ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang chuyển khoảng 500 ha đất vùng đệm, rừng sản xuất kém hiệu quả sang trồng tiêu theo mô hình kinh tế trang trại, có đầy đủ hệ thống tưới thoát nước và nhà máy chế biến các sản phẩm từ hạt tiêu để xuất khẩu trực tiếp.

Tiêu Phú Quốc có hương vị ngon, cay rất đặc trưng. Hai cô Phóng viên và Diễn viên, nằng nặc đòi thuê xe đi mua tiêu tại vườn. Qủa thực đi mua tiêu tại vườn thú vị hơn. Bước chân vào vườn ngắm tiêu chín đỏ trên cây thơm nồng, cảnh quan ấy có giá trị lớn về du lịch, văn hóa và kinh tế.

Du lịch đến đảo Phú Quốc, hồ tiêu là món quà thứ hai trong giỏ quà mua về sau mặt hàng nước mắm.

Trại chó xoáy Phú Quốc cũng là nơi tôi cần đến. Bởi chó xoáy Phú Quốc nằm trong số "ba linh vật" đảo.

Chó Phú Quốc dù lông màu vàng hay nâu, đen hay xám, vằn vện hay trắng tuyền, vẫn có một vệt lông xoắn trên lưng như chiếc bờm ngựa. Vệt lông tạo ra một đặc trưng của giống chó này không lẫn với giống khác.

Vai cổ khỏe mạnh. Đầu luôn ngẩng cao.

Hàm răng hình chữ V rất khỏe.

Lưỡi có màu xám hoặc xám xanh.

Tai hình tam giác luôn vểnh lên hướng về phía trước.

Trán phẳng. Cặp mắt nâu sẫm hình hạnh nhân ẩn chứa tâm thế cảnh giác.

Mũi đen. Ngực nở. Bụng thon kể cả các "nàng" nếu chưa mang "bầu".

Chân dài. Hai chân sau duỗi thẳng.

Cái quý là ở "tính cách" chó Phú Quốc: Trội tính chó săn. Chạy như bay tốc độ 60 km/giờ. Đổi hướng cực nhanh khi gặp phải con mồi khôn ngoan chạy trốn luôn đổi hướng. Và khi say mồi không bao giờ bỏ cuộc chừng nào con mồi chưa được ngoạm giữa hai hàm răng. Bụng đói mà không ăn mồi một lòng tha về dâng chủ. Và khi nguy nan biết bảo vệ chủ tới hơi thở cuối cùng.

Hơn một thế kỷ trước người Pháp đã đem chó xoáy Phú Quốc về châu Âu và trở thành giống quý ở vườn Bách thảo Paris.

Năm 1894, Triển lãm chó Thế giới Anvers ở Vương quốc Bỉ, hai con chó xoáy Phú Quốc mang tên thuần Việt là Xoài và Chuối của ông Tây thuộc địa tên là Gaston Heslouin đã đoạt giải Nhất và Nhì, được rao giá rất cao hồi đó.

Mặc dù trong công việc của mình hai cô gái trẻ Phóng viên và Diễn viên đã đi tới nhiều miền của Tổ quốc, vậy mà họ như "sống gấp" với ít ngày ngắn ngủi trên Hòn Đảo Ngọc. Cứ như là "chạy xô" show diễn.

Đến lượt tôi phải chạy gằn theo hai cô gái trẻ, đến với Dinh Cậu, Suối Tranh, vườn Quốc Gia, làng chài Hàm Ninh, và không quên đến với trại nuôi cấy ngọc trai, chợ đêm Dương Đông, cùng nhà tù Phú Quốc để chứng kiến những "Trang hồi ức đen" của viên cai ngục Bảy Nhu khét tiếng.

Người đi du lịch khảo cứu thường tham lam, như sợ cơ hội trở lại mong manh.

Tôi thì đã tìm được Kim Giao.

Cô Phóng viên Kênh 14 không còn đặt bàn tay lên trán tôi kiểm tra độ "ấm đầu". Và chàng trai Huỳnh Phước Huệ bị quên đi, không được coi là "khùng" nữa mặc dù anh ta vẫn khư khư ôm giữ cái khối giá trị phi vật thể "Hồn vía Đảo Phú Quốc".

Công ty Cổ phần Hàng không Air Mekong đã thử nghiệm chuyến bay đầu tiên từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Phú Quốc ngày 28 – 9 – 2010, hết 40 phút thời gian.

Ngày 10 – 10 – 2010 là chuyến bay từ Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh – Phú Quốc tần suất 3 chuyến một ngày.

Đầu tháng 11 – 2010 là chuyến bay thẳng Hà Nội – Phú Quốc với 2 giờ 15 phút bay.

Khi Cảng hàng không và Cảng biển Phú Quốc được đầu tư trở thành Cảng quốc tế, thì phần còn lại du khách quốc tế có thể bay thẳng đến Phú Quốc từ quốc gia họ, mà không phải quá cảnh qua Hà Nội, Sài Gòn hay Cần Thơ như bây giờ nếu như họ chỉ cần đến với Hòn Đảo Ngọc mà thôi.

Dự án đã có và được Chính phủ phê duyệt. Nó đang ở thì tương lai. Tương lai xa hay gần còn tùy. Nhưng du khách vẫn đến với Phú Quốc ngày một tấp nập bằng nhiều ngả đường.

Người ta nói, đến với Phú Quốc vào tháng 1 và tháng 2 là đẹp nhất. Tôi không nghĩ thế. Phú Quốc đẹp quanh năm!

 

Icon động, để lại yêu cầu